Chẳng cần “Thiên lý nhãn” vẫn dễ dàng nhận biết dự án BĐS ma qua các dấu hiệu sau

“Thời buổi nhiễu nhương, tai ương thì miễn phí”, thị trường bất động sản xuất hiện nhiều dự án ma để lừa đảo người mua. Dưới đây sẽ là những dấu hiệu “cảnh báo” một dự án bất động sản ma đang sắp sửa đưa bạn “vào tròng” nếu bạn không cảnh giác.

Mách bạn cách xử lý thông minh khi gặp rủi ro pháp lý trong mua bán BĐS

Những thủ tục bạn cần phải biết khi mua bán nhà đất

4 điều cần nhớ khi lựa chọn chủ đầu tư bất động sản

Chủ đầu tư “vô danh” trên thị trường

Kinh nghiệm cho người mua bất động sản là điều đầu tiên cần làm không phải tìm hiểu vị trí, kiến trúc, giá cả, khả năng sinh lời của dự án mà phải “điều tra” chủ đầu tư của dự án đó. Thực tế chứng minh chủ đầu tư có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành dự án và đảm bảo cho dự án thi công đúng tiến độ. Chắc chắn bạn không muốn dự án mình đã bỏ ra cả chục tỷ đầu tư vào một ngày đẹp trời, chủ đầu tư thông báo “treo” dự án vô thời hạn. Đó quả thực là một cơn ác mộng đối với người đầu tư. Vậy nên nếu dự án bạn muốn mua có chủ đầu tư không tên tuổi, chưa hề có chỗ đứng trên thị trường thì hãy đặt ra nghi vấn đó là dự án ma.

Chẳng cần "Thiên lý nhãn" vẫn dễ dàng nhận biết dự án BĐS ma qua các dấu hiệu sau

Các dự án ma thường không có chủ đầu tư tên tuổi, không có tiềm lực tài chính vững vàng, không được ngân hàng bảo lãnh. Khi đàm phán với bạn, chủ đầu tư không đưa ra được thời gian thi công, thời gian hoàn thành và các giấy tờ pháp lý cần có của dự án. Một số chủ đầu tư còn “thôi miên” khách hàng bằng việc đưa ra giá rẻ hơn nhiều so với giá công bố trên thị trường. Chỉ có những dự án không có thật mới có giá rẻ như vậy.

Thời buổi công nghệ lên ngôi, việc tra cứu thông tin nhanh chóng, người mua dễ dàng có thể xác minh được uy tín, tên tuổi của chủ đầu tư. Vậy nên hãy thật cảnh giác và tỉnh táo để phát hiện ra chủ đầu tư ma đang muốn lừa tiền của bạn.

Chủ đầu tư “giấu nhẹm” thông tin dự án

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014: Nội dung thông tin về bất động sản phải công bố bao gồm: 

a) Loại bất động sản

b) Vị trí bất động sản

c) Thông tin về quy hoạch có liên quan đến bất động sản

d) Quy mô của bất động sản

đ) Đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng của bất động sản; thông tin về từng mục đích sử dụng và phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư;

e) Thực trạng các công trình hạ tầng, dịch vụ liên quan đến bất động sản;

g) Hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản; hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;

h) Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có);

i) Giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Nếu chủ đầu tư không đưa ra được những thông tin này tức là dự án bạn định mua có vấn đề, bạn nên cân nhắc trước khi “xuống tiền”. 

Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải cung cấp cho bạn hồ sơ của chủ đầu tư cũng như của dự án bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định ủy quyền ký hợp đồng mua bán nhà; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy hoạch 1/500; Tài liệu về giải phóng mặt bằng; Giấy phép xây dựng; Thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế mặt bằng điển hình, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; Biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà; Văn bản cho phép bán, cho thuê mua của Sở xây dựng. 

Để đảm bảo quyền lợi và chắc chắn rằng tiền của mình được đặt đúng chỗ, người mua bất động sản hãy hỏi kỹ chủ đầu tư về những giấy tờ, thông tin trên. Một chủ đầu tư uy tín, một dự án “sạch” chắc chắn sẽ không có điều gì để che giấu và sẽ sẵn sàng cho bạn biết đầy đủ thông tin.

Bên cạnh đó, nếu chủ đầu tư cung cấp cho bạn các giấy tờ pháp lý, bạn cần kiểm tra xem dự án đó có thuộc diện quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền hay không.

Dự án không được ngân hàng bảo lãnh

Dự án có được ngân hàng bảo lãnh hay không một phần cũng quyết định uy tín của dự án và chủ đầu tư. Ngân hàng là đơn vị hoạt động rất cẩn trọng, những dự án được ngân hàng bảo lãnh đều là của các chủ đầu tư lớn, dự án an toàn, có khả năng sinh lời cao. Điều đó đồng nghĩa với việc những dự án ma sẽ không có sự bảo lãnh của ngân hàng.

Chẳng cần "Thiên lý nhãn" vẫn dễ dàng nhận biết dự án BĐS ma qua các dấu hiệu sau

Bên cạnh đó, người mua nên kiểm tra đơn vị bảo lãnh, ngân hàng bảo lãnh dự án là ai. Đơn vị đó sẽ có trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ trong trường hợp chủ đầu tư dự án vi phạm về một vấn đề nào đấy, gây ảnh hưởng đến tiền độ hay chất lượng dự án, công trình.

Hợp đồng mua bán không rõ ràng

Điều cuối cùng mà khách mua bất động sản phải lưu ý đó là đọc thật kỹ những điều khoản, thông tin trong hợp đồng. Khách hàng nên cẩn trọng khi nội dung hợp đồng có những trường hợp sau: Hợp đồng không quy định rõ về thời hạn giao nhà, chất lượng và tính đồng bộ của công trình khi giao, hồ sơ bàn giao kèm theo; Hợp đồng mua bán không quy định rõ ràng thông tin về diện tích, vị trí của phần sở hữu chung như đường giao thông, sân chơi trẻ em, công viên, cây xanh, chỗ để xe… Hợp đồng mua bán không quy định rõ trách nhiệm bồi thường của chủ đầu tư khi xảy ra vi phạm.

Nếu gặp một trong những dấu hiệu này khi mua bất động sản, bạn cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ lưỡng để tránh “tiền mất tật mang”.

 

TIN TỨC MỚI NHẤT

ĐĂNG KÝ TẢI TÀI LIỆU DỰ ÁN