Du lịch Quảng Ninh: Sẵn sàng cho những bước tiến mới

Không còn ngủ quên trên hào quang di sản, du lịch Quảng Ninh những năm trở lại đây đang có sự bứt phá mạnh mẽ, không ngừng vươn lên giành lấy vị trí “ngôi vương” trên bản đồ du lịch Việt Nam và xa hơn là trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực với những sản phẩm du lịch độc đáo, mới mẻ và hiện đại.

Bằng những chiến lược, quy hoạch tổng thể bài bản cùng sự đồng hành của các nhà đầu tư lớn, du lịch Quảng Ninh đang đi đúng hướng, bước vào thời kỳ tăng trưởng bền vững, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đích đến trong năm 2020

Những ngày đầu năm mới 2020, nhìn lại kết quả đạt được của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, mỗi người dân Quảng Ninh không khỏi tự hào, phấn khởi. Những thành công đó là minh chứng cho công tác lãnh đạo, điều hành đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt của đội ngũ lãnh đạo tỉnh, cho tinh thần đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân với những chủ trương đổi mới của tỉnh. Và trong thành tích chung đó không thể không nhắc đến sự đóng góp mạnh mẽ của ngành du lịch. Thông qua sự phát triển của du lịch, Quảng Ninh không ngừng tạo được tiếng vang, dấu ấn đặc biệt trong lòng bạn bè, du khách bốn phương.

Năm 2019, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt trên 14 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 5,749 triệu lượt, tăng lần lượt là 14% và 15% so với năm trước. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 29.487 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018, đóng góp vào thu ngân sách nội địa của tỉnh 3.568 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018 (chiếm 10,7% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh). Những con số này phần nào nói lên vị thế dẫn đầu, khẳng định sức hút của du lịch Quảng Ninh trong năm qua và chắc chắn còn tiếp tục tăng lên ở những năm tiếp theo.

Bước sang năm 2020, ngành du lịch tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu: Tổng lượng khách đạt 15,5 triệu lượt, trong đó có 6,5 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch là 34.000 tỷ đồng. Đóng góp vào tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh không ít hơn 11,5%, góp phần tích cực vào mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt trên 12%. Cụ thể, phấn đấu thời gian lưu trú của khách du lịch đạt 2,8-2,85 ngày. Mức chi tiêu bình quân khách du lịch năm 2020 là 2,3 triệu đồng/lượt khách (khách quốc tế là 2,8 triệu đồng/lượt khách; khách nội địa là 2,0 triệu đồng/lượt khách).

Những mục tiêu đặt ra ngày càng cao song đều bắt nguồn từ cơ sở thực tiễn, dựa trên những thế mạnh, tiềm năng hiện có của du lịch Quảng Ninh. Trong Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 2/12/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 đã xác định rõ: Tiếp tục phát triển bền vững ngành du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, số 02-NQ/TU ngày 5/2/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 “Về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; phát triển TP Hạ Long là trung tâm du lịch nổi tiếng tầm cỡ quốc tế.

Du lịch Quảng Ninh: Sẵn sàng cho những bước tiến mớiKhu đô thị Ruby City Hạ Long với nhiều dịch vụ, tiện ích đẳng cấp thu hút khách du lịch

Theo đó, trọng tâm là khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ đã có để mở rộng không gian du lịch trong nước, quốc tế; đổi mới công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu, xúc tiến du lịch sâu rộng và chuyên nghiệp hơn, hướng tới các thị trường tiềm năng gắn với khai thác có hiệu quả các trung tâm du lịch của tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ tại Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái; nâng cao hiệu quả kinh tế du lịch của các địa phương; phát triển các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, theo mùa để kéo dài thời gian trải nghiệm và tăng mức chi tiêu của du khách. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quản lý, hướng dẫn đa ngôn ngữ; bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và phát triển bền vững; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ninh gắn với “nụ cười Hạ Long”…

Đặc biệt, Nghị quyết 20-NQ/TU cũng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch của TP Hạ Long sau sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long. Chủ trương sáp nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào Hạ Long sẽ đưa TP Hạ Long trở thành đô thị có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam, sở hữu đa dạng di sản, kỳ quan từ vịnh Cửa Lục, địa hình đồi núi, núi đá trên vịnh và trên bờ, hệ thống 6 con sông và đặc biệt là khu bảo tồn công viên rừng 15.000ha còn nguyên sơ, có giá trị sinh thái rất lớn… Qua đó, tạo nguồn lực dồi dào để khai thác và phát triển du lịch thông qua nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ, hấp dẫn.

Có thể thấy, những mục tiêu, định hướng phát triển này của tỉnh sẽ là cơ sở, động lực mạnh mẽ để thúc đẩy ngành du lịch Quảng Ninh tiếp tục có những bước tiến thần tốc, vững chắc trong thời gian tới.

Để tiếp tục những bước tiến thần tốc

Với những định hướng, mục tiêu phát triển du lịch đã được đề ra, tỉnh, ngành du lịch sẽ tiếp tục tập trung nâng cao tỷ trọng, chất lượng dịch vụ du lịch. Theo đó, không ngừng tạo ra sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; đa dạng hóa thị trường khách du lịch; khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao năng lực quản lý và xây dựng đội ngũ nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp, đạt chất lượng quốc tế… Từ đó, đưa du lịch Quảng Ninh phát triển sôi động suốt 4 mùa, là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng cho du khách mọi lứa tuổi, quốc tịch.

Không chỉ dồn lực cho trung tâm du lịch Hạ Long thông qua sự đầu tư về hạ tầng, hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp, những tổ hợp vui chơi giải trí, mua sắm đa dạng, chất lượng như FLC Hạ Long, Sunworld hay Vinpearl…, tỉnh cũng đang thu hút các nguồn lực đầu tư tại các khu vực động lực về phát triển du lịch khác như Đông Triều, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái thông qua các đề án như: Đề án tổng thể phát triển sản phẩm du lịch trên biển đảo vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô; Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025…

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, hợp tác quốc tế và liên kết với các địa phương trong cả nước để thúc đẩy phát triển du lịch; xây dựng chiến lược Marketing hướng vào thu hút khách du lịch Châu Âu, Châu Mỹ, các tỉnh phía trong của Trung Quốc (Phúc Kiến, Quảng Đông…) gắn với việc khai thác hiệu quả sân bay quốc tế Vân Đồn.

PGS, Tiến sĩ Trần Thị Minh Hòa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: Qua nghiên cứu và gắn bó với du lịch Quảng Ninh thời gian qua, tôi đánh giá Quảng Ninh đang có sự phát triển thật sự bùng nổ, bứt phá về du lịch. Song cùng với sự phát triển về lượng, địa phương cần chú trọng hơn nữa sự phát triển về chất. Cụ thể, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp, tỉnh, các ngành chức năng cần tăng cường vai trò của cơ quan nhà nước trong quản lý hoạt động du lịch, môi trường kinh doanh du lịch đảm bảo tính cạnh tranh minh bạch. Đồng thời, cần có thêm nghiên cứu chuyên sâu về việc phân dòng sản phẩm du lịch hướng đến những dòng khách cụ thể; làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch một cách đồng bộ.

Nhìn vào những con số tăng trưởng ấn tượng của ngành qua mỗi năm, cùng cơ sở vật chất hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại bậc nhất cả nước, tầm nhìn và tư duy chiến lược của đội ngũ lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành của những nhà đầu tư chiến lược… chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về sự bứt phá của du lịch Quảng Ninh trong những năm tiếp theo. Du lịch đã, đang và sẽ là chìa khóa vàng mở cánh cửa thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trên chặng đường phía trước.

Theo baoquangninh.com 

TIN TỨC MỚI NHẤT

ĐĂNG KÝ TẢI TÀI LIỆU DỰ ÁN