1. Nhà Riêng Là Gì?
Hiện nay, không ít người trong quá trình mua nhà vẫn băn khoăn nhà riêng là gì, nhà ở riêng lẻ có mấy loại và nên mua chung cư hay nhà riêng thì tốt hơn.
Là một trong những hình thức khá quen thuộc đối với người Việt Nam song không phải ai cũng hiểu nhà ở riêng lẻ là gì.
Theo những quy định đã được đưa ra tại Khoản 2 của Điều 3 thuộc Luật Nhà ở năm 2014, nhà riêng được định nghĩa là công trình nhà ở được xây dựng trên một mảnh đất ở riêng biệt, và mảnh đất này thuộc quyền sử dụng một cách hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức.
Theo đó, nhà riêng có thể là nhà cấp 3, nhà cấp 4 hoặc cũng có thể là nhà liền kề hay biệt thự,…
2. Quy Chuẩn Xây Dựng Nhà Ở Riêng Lẻ Là Gì?
Trong định nghĩa về nhà riêng là gì, Bộ luật Xây dựng nước ta cũng đưa ra một số quy chuẩn áp dụng khi tiến hành xây dựng công trình nhà ở dạng này như sau.
Về mặt pháp luật
Điều kiện đầu tiên để việc xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện đó là phải có giấy phép xây dựng, trừ những trường hợp được miễn theo quy định cụ thể đã được luật đưa ra. Nếu điều kiện này không được đảm bảo, việc xử phạt là không thể tránh khỏi.
Về mặt thiết kế
Nhà riêng cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định trong thiết kế và xây dựng. Vậy các điều kiện khi thiết kế nhà riêng là gì? Đó là:
– Tiêu chuẩn, quy định trong sử dụng vật liệu xây dựng cũng như công nghệ, công năng sử dụng.
– Đảm bảo chất lượng, an toàn để sử dụng, đồng thời phù hợp với mỹ quan và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống các hiện tượng cháy nổ cùng một số điều kiện đảm bảo an toàn khác.
– Việc xây dựng nhà nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình và khuôn viên, diện tích đất xây dựng phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức,…
Hiện nay, về mặt thiết kế nhà ở riêng lẻ, cần đảm bảo theo yêu cầu tại khoản 3, Điều 39 của Luật Xây dựng, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng Quốc gia cũng như quy hoạch mang tính đặc thù của từng khu vực, địa phương.
Trong trường hợp diện tích sàn xây dựng của nhà nhỏ hơn 250m2, chiều cao dưới 12 mét và dưới 3 tầng thì có thể tự thiết kế nhà ở riêng lẻ.
Việc xây nhà ở riêng lẻ theo hình thức liền kề, biệt thự hay nhà độc lập cần tuân thủ theo một số hướng dẫn của pháp luật, đó là:
– Đối với nhà liền kề mặt phố hoặc có sân vườn: theo TCVN 9411 : 2012 Nhà ở liền kề – Tiêu chuẩn thiết kế.
– Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BXD.
– Quy định tạo Luật Nhà ở 2014, Luật Xây dựng cùng một số văn bản liên quan về xây dựng nhà ở riêng lẻ.
– Một số quy hoạch chi tiết khác của vùng hoặc địa phương như quy hoạch đô thị, khu dân cư nông thôn hoặc khu chức năng,…
3. Nên Mua Chung Cư Hay Nhà Riêng?
Để trả lời được câu hỏi này, ngoài việc tìm hiểu nhà riêng là gì, bạn cũng cần nắm bắt về mô hình nhà ở chung cư, từ đó có thể tự so sánh nhà ở riêng lẻ và chung cư ở một số khía cạnh.
Trước hết, khi xét tới khái niệm chung cư: đây cũng là một loại hình nhà ở song trên cùng một thửa đất ấy, có thể có nhiều căn hộ khác nhau. Các điều kiện để được gọi là chung cư gồm: có từ hai tầng trở lên và gồm nhiều căn hộ. Chung cư bao giờ cũng có cầu thang cũng như lối đi chung, một hệ thống các công trình hạ tầng được các hộ sử dụng chung.
Nhà chung cư có thể chỉ dùng để ở nhưng cũng có loại hỗn hợp vừa để ở, vừa để kinh doanh.
Ưu điểm, nhược điểm của nhà riêng
– Về ưu điểm:
+ Bởi được xây dựng trên mảnh đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân, gia đình hay tổ chức nên bạn cũng có quyền đối với cả căn nhà. Từ đó, có thể thoải mái hơn trong việc tu bổ hoặc nâng cấp hay dùng với nhiều mục đích khác nhau: để ở, cho thuê hoặc kinh doanh,…
+ Bạn có thể được tự do hơn trong một số hoạt động, chẳng hạn mời bạn đến chơi muộn hoặc ở lại,…
+ Bạn sẽ không mất một số loại phí: gửi xe, quản lý, bảo vệ,… Đây chính là một ưu điểm lớn dễ nhận thấy khi tìm hiểu nhà riêng là gì.
+ Giá trị trong trao đổi, mua bán khá cao và ổn định. Không những thế, tùy thuộc vào vị trí mà giá trị của nó còn có thể tăng lên, đơn cử như thị trường nhà riêng Hà Nội hay nhà riêng TP.HCM hầu hết đều ghi nhận chiều hướng tăng giá qua các năm.
– Về nhược điểm:
+ Trong cùng một địa bàn, tiền để mua hoặc chi phí để xây nhà riêng luôn cao hơn chung cư.
+ Vấn đề an ninh có thể không được đảm bảo như với chung cư.
+ Trình độ dân cư thường không đồng đều như chung cư nên có thể sẽ phát sinh những mâu thuẫn trong mối quan hệ với hàng xóm, láng giềng.
Ưu, nhược điểm của chung cư
– Về ưu điểm:
+ Đầu tiên cần kể đến là giá cả sẽ rẻ hơn, hợp với điều kiện của số đông dân cư, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Hơn nữa, với cùng một số tiền, có thể bạn vẫn lựa chọn được khu chung cư gần trung tâm nhưng nếu là nhà riêng phải ở ngoại thành.
+ Công tác đảm bảo an ninh, trật tự được tốt hơn.
+ Các mối quan hệ với hàng xóm độc lập hơn và đều phải tuân theo quy định chung nên nếu có khúc mắc, việc giải quyết có thể dễ dàng hơn.
– Về nhược điểm:
+ Ở chung cư, trước hết, bạn không có quyền sở hữu đối với đất đai đó, không được tự ý sửa chữa hay nâng cấp theo mong muốn của cá nhân mà phải tuân theo thiết kế cũng như quy định chung. Việc sửa chữa chỉ trong giới hạn nhất định.
+ Nhiều loại phí đi kèm có thể là điều khiến bạn băn khoăn.
+ Cuộc sống của bạn không tự do bằng ở nhà riêng.
Có thể nói, những so sánh trên chỉ mang tính chất tương đối. Việc ở chung cư hay nhà riêng còn tùy vào điều kiện kinh tế, công việc, nhu cầu của bản thân và gia đình bạn. Ngay cả khi đã nắm bắt được nhà riêng là gì, chung cư là gì, các ưu nhược điểm đi kèm của từng mô hình, bạn cũng rất khó để khẳng định được rằng ở chung cư hay nhà riêng thì tốt hơn.
4. Lưu Ý Khi Mua Nhà Riêng Xây Sẵn
Đối với trường hợp mua lại nhà riêng dạng độc lập hoặc biệt thự hay nhà liền kề đã được xây dựng sẵn, bạn cần lưu ý một số điều sau:
– Tìm hiểu thật kỹ để đảm bảo rằng công trình đó rõ ràng về mặt pháp lý.
– Công trình mua lại chắc chắn không thể hoàn toàn phù hợp với sở thích cũng như nhu cầu của bạn nên cần tìm hiểu về khả năng sửa chữa hoặc điều chỉnh.
– Căn cứ vào điều kiện kinh tế, nhu cầu sử dụng của bản thân, tránh trường hợp gắng sức mua một căn nhà để rồi sau đó trả nợ mãi không hết.
– Tìm hiểu về môi trường dân cư xung quanh. Đặc biệt, đối với việc mua lại nhà riêng, nên tìm hiểu về lai lịch, người chủ trước để đảm bảo sự an tâm và những điều tốt đẹp.
– Xem nhà vào các thời điểm khác nhau và có sự cân nhắc kỹ lưỡng, có thể nhờ đến những người quen biết có chuyên môn.